Chú Giải Tin Mừng Thứ Năm Tuần XXIII Mùa Thường Niên (Lc 6,27-38) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ NĂM TUẦN XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 6,27-38

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I : 1 Cr 8,1-11-13

Các vấn đề cụ thể đặt ra cho các Kitô hữu tiên khởi sống giữa nền văn minh ngoại giáo, thường là phức tạp.

Chẳng hạn như các thứ thịt bán ở cửa hàng, phải “dâng làm tế phẩm cho các thần” trước khi được bày bán cho dân chúng. Các Kitô hữu có được phép ăn thứ “thịt cúng” đó không, như bấy giờ người ta thường hỏi ?

Lúc ở nhà mình, có thể kiêng ăn. Nhưng khi người ta mời ăn, thì sao ? Phải chăng, làm như mọi người, ăn những gì chủ nhà dọn ra ? Làm như thế, có phải là thông đồng với thần tượng không ?

Chúng ta sẽ thán phục lời giải đáp quân bình của Thánh phaolô :

1. Được tự do hoàn toàn đối với thịt cúng.

2. Coi trọng lương tâm người khác.

Về vấn đề ăn thịt cúng, chúng ta biết rằng ngẫu tượng chẳng là gì trên thế gian, và cũng chẳng có thần nào ngoài Thiên Chúa độc nhất.

Lý luận đơn giản là : các thứ thịt không dâng cúng cho “gì hết” vì các thần tượng không là “gì hết” … thế là ăn được hết. Sự việc là miếng thịt đặt trên một hòn đá, dù có đốt nhang, dâng nến, thịt cũng không thay đổi gì hết. Tự do hoàn toàn. Ngẫu tượng chỉ là một tượng đá !

Chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta … Và chỉ có một Đức Chúa và Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu.

Tự do biết bao ! Và chắc chắn làm sao !

Đây là cơ hội để nói lại niềm tin của ta vào Thiên Chúa độc nhất : mọi sự khác không đáng gì cả. Và niềm xác tín này giải thoát hoàn toàn con người khỏi mọi linh vật, khỏi mọi điều cấm kỵ thiêng liêng. Vũ trụ không phải là vật thánh, nó là vật phàm … Thiên Chúa mới là Thánh.

Nhưng không phải mọi người đều hiểu biết như vậy đâu. Có một số người ăn các thức ăn thì cứ tưởng như vậy là thờ cúng thần.

Đó là trường hợp của người ngoại giáo. Nhưng cũng có một số ít Kitô hữu tận lòng cũng đã làm như thế và họ đâm ra “sợ hãi”. Đúng vậy, như ta biết, trên rất nhiều vấn đề thuộc lương tâm, có nhiều lối nhận định luân lý khác nhau : ít nhiều người cho đó là tội, số người khác lại không đặt thành vấn đề.

Tại Côrintô, có sự chống đối nhau : các người “già dặn” trong Đức tin thì cho rằng hoàn toàn được tự do, còn những người “Đức tin non nớt”, muốn được yên tâm hơn, bênh vực lập trường nghiêm ngặt tối đa.

Lương tâm yếu đuối của họ đã ra ô uế.

Đúng rồi, khi người ta tin rằng làm điều ấy là tội, thì có tội, đó là Luật lương tâm căn bản. Ngày nay, thỉnh thoảng người ta quá nhấn mạnh về tính chủ quan này, nhưng đó là một trong các chiều hướng của lương tâm.

Vì thế, nếu của ăn nào làm cớ cho anh em tôi sa ngã (một người anh em mà Đức Kitô đã chịu chết để cứu chuộc) thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã.

Cuối cùng đức bác ái là tiêu chuẩn để xét đoán.

Về phương diện cá nhân, tôi hoàn toàn tự do và ăn bất cứ thứ thịt nào, nhưng tôi sẽ tránh làm gương xấu cho người anh em còn yếu Đức tin, tôi sẽ hy sinh kiêng ăn thịt như thế.

“Người anh em mà Đức Kitô đã chịu chết để cứu chuộc !”. Một kiểu nói đáng ca ngợi – Nếu ta suy nghĩ điều đó nhiều hơn, ta sẽ có lòng cung kính hơn !

Dù là nhân danh các điều xác tín của tôi không có quyền chà đạp người khác.

Bài đọc II : Cl 3,12-17

Như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương.

Giản dị lặp lại cho tôi một cách chậm chạp những lời này. Nếm hưởng từ đó sự an bình thâm sâu. Tôi đã được Thiên Chúa “chọn” … Tôi là kẻ được Người yêu thương … Và đây không nói tới tình cảm, nhưng về một sự kiện lịch sử, liên hệ một cách cụ thể tới trọn cuộc sống tôi.

Hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu.

Đúng thế, niềm xác tín được Thiên Chúa yêu phải dẫn chúng ta ngay đến hành động, trong cùng một hướng của Thiên Chúa, nghĩa là trong sự từ bi nhân hậu.

Khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại.

Hiển nhiên là cả một luân lý xuất phát từ sự tùy thuộc của chúng ta với Đức Kitô. Những nhân đức rất nhân bản : những nhân đức làm cho các liên hệ nhân loại thành dễ chịu, những nhân đức mang lại hạnh phúc.

Hãy chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia.

Làm sao một nhóm người nào đó có thể đứng vững lâu dài, nếu không ai có thể chịu đựng nhau. Tôi nhìn đến những nhóm tôi phải sống.

Tôi có thái độ nào đối với điểm cốt yếu này của Tin Mừng ? Đừng bịt mắt lại. Thật hiếm có tình trạng mà tôi không hề phải tha thứ, phải chịu đựng những người không chịu nổi tôi.

Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau.

Tin Mừng đã không phát sinh ra những giá trị mới. Chính sự tha thứ là một phần nếu muốn cho cả đời sống xã hội được tồn tại. Nhưng chính gương mẫu của Đức Kitô là một sự cổ xúy mạnh mẽ và có thể cho chúng ta sức mạnh để “đi tới cùng” tình yêu tha thứ. Kinh nghiệm chứng minh rằng : không có Chúa Kitô, một vài sự tha thứ thực là siêu nhân.

Lạy Chúa, xin cho chúng con điều mà Chúa đòi hỏi chúng con. Xin hãy đến trong con để tha thứ như một mình Chúa biết thực hiện điều đó.

Trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương : đó là dây ràng buộc điều toàn thiện.

Chỉ có tình yêu chân thật giải thích mọi điều trên kia. Hình ảnh được dùng ở đây là hình ảnh “dây liên kết” làm cho bó được chặt. Tình yêu tụ họp và nối kết mọi phẩm tính nhân loại lại : không có : Không có tình yêu, mọi giá trị đẹp nhất có thể trở thành kiêu căng, tự mãn, biệt phái.

Nguyện cho bình an của Chúa làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi đến để làm nên một thân thể.

Chúng ta ở ngoài mọi chủ trương luân lý, mọi thuyết duy luật lệ. Chúng ta ở mức độ của một đòi buộc sinh động : làm sao tôi có thể từ khước không yêu một người nào đó … người không có gì thua kém một chi thể trong thân thể Chúa Kitô. Như vậy cũng là một trong cái phần thể của tôi, vì tôi là thành phần của cùng một thân thể ?

Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cự ngụ dồi dào trong anh em … Hãy dùng những bài Thánh Vịnh, những khúc ca và những bài hát thiêng liêng cùng với lòng tri ân để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em.

Vui mừng, thán phục, tạ ơn ca hát.

Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.

Tất cả, mọi sự. Dâng hết những gì người ta nói và làm cho Thiên Chúa.

BÀI TIN MỪNG : Lc 6,27-38.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Luca tóm tắt một số lời khuyên quan trọng của Đức Giêsu, mà Mát-thêu đã tập họp lại trong Bài giảng trên núi.

Đó là những thái độ chủ yếu của Tin Mừng.

Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : Anh em phải yêu thương kẻ thù …

Trên lý thuyết, chúng ta quá quen “biết” những lời này.

Tuy nhiên, theo Đức Giêsu, đó không phải là điều thuộc phạm vi hiểu biết, hay lý thuyết. Những “kẻ thù” được nói đến, Đức Giêsu liệt kê trong những thí dụ sau đây :

Kẻ oán ghét … kẻ nguyền rủa … kẻ nhục mạ … kẻ vu khống … kẻ đánh đập … kẻ lột áo … kẻ cướp đoạt …

Tất cả những hạng người này, không phải là những ý tưởng, cũng không phải là những yêu ma không thực, mà là những con người bằng xương bằng thịt.

Phải dám kiếm tìm chung quanh mình những con người mà để yêu thương họ ta phải khó khăn vất vả nhất … Đó là những kẻ làm “hại” ta cách này hay cách khác.

Hãy yêu thương họ … Hãy làm ơn cho họ … Hãy chúc lành cho họ … Hãy cầu nguyện cho họ … Hãy cho … Đừng đòi lại …

Đó không phải là những ý tưởng, những tình cảm … mà là những hành động thực sự, những thái độ cụ thể.

Quả thực, Tin Mừng không phải là điều dễ sống. Nó không phải là thứ “nước bông” trang điểm !

Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.

Hãy tự đặt mình vào địa vị người khác. Lạy Chúa, đó là việc khó biết bao ! Xin hãy đến giúp con.

Nếu anh em chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả những người tội lỗi cũng yêu thương kẻ thương họ.

Và nếu anh em chỉ làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả những người tội lỗi cũng làm như thế.

Mátthêu dùng hai hình ảnh để so sánh “những người thu thuế” và “những người dân ngoại” (Mt 5,46-47). Còn Luca, để khởi động chạm đến độc giả của mình, là những người anh em dân ngoại trở lại hay sẽ trở lại, ông đã chuyển dịch lời của Đức Giêsu theo kiểu nói dễ hiểu hơn với họ, nên dùng : “những người tội lỗi”. Thực ra, đó cũng chỉ diễn tả một tư tưởng, nhưng với kiểu nói mới mẻ hơn.

Đúng vậy, tư tưởng cốt yếu của Đức Giêsu là : “tình yêu” của chúng ta phải mang tính phổ quát, bằng cách cố giải gỡ mình khỏi những cộng đồng tự nhiên (như gia đình, môi trường sống, quốc gia, chủng tộc) : Ở đó, hầu như ta thể hiện yêu thương cách tự phát. Tình liên đới không phải là điều tốt tự nó. Cần phải nói như thế, bởi vì ngay cả những kẻ tội lỗi, những kẻ ác độc, những người chuyên đàn áp, những kẻ ích kỷ … cũng có thể sống tình liên đới rất vụ lợi giữa họ, nhắm tới tư lợi và chống lại kẻ khác !

“Tình yêu không biên giới” là một nhu cầu bức thiết : nó vượt trên mọi luật tâm lý và xã hội, tuy những luật đó rất tự nhiên và thực tế. Tình yêu của chúng ta phải nối kết được mọi chiều kích của toàn thể nhân loại, kể cả những kẻ thù và đối nghịch !

Anh em phải yêu thương kẻ thù, phải làm ơn và cho vay mượn mà không mong đền trả.

Đó là thứ tình yêu vô vị lợi, cho không.

Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao bội phần, và anh em sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu cả với phương vô ân, với những quân độc ác. Anh em phải có lòng từ bi, như Cha anh em là Đấng từ bi.

Như thế, không chỉ là mọi sự vượt xa về “lượng” (số người được yêu trên toàn thế giới rộng lớn, tăng hơn), mà còn là một vượt xa về “phẩm” (yêu như Thiên Chúa yêu, bằng cách mô phỏng tình yêu vô biên, từ đó trở nên dấu chỉ của tình yêu Chúa Cha, Đấng yêu thương hết mọi người, ngay cả “những kẻ thù của Người”).

Đừng xét đoán … Đừng lên án … Hãy tha thứ … Hãy cho …

Tôi để cho mỗi lời vang lên trong tôi, từng lời một, lời này nối tiếp lời kia. Rồi tôi cầu nguyện …

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Khi Chúa bảo phải yêu thương kẻ thù, thì kẻ thù ở đây được hiểu là những kẻ bách hại Kitô hữu, và hiểu nghĩa rộng tất cả những ai gây thiệt hại cho mình, hoặc tất cả những ai đang đối kháng với mình vì bất cứ lý do nào.

Khi nói đến việc yêu thương kẻ thù, thì sự yêu thương này không phải là:

- Vấn đề tình cảm mà người ta đối với các phần tử trong gia đình

- Cũng không phải là tình bằng hữu với những kẻ ngang hàng.

- Càng không phải là thứ tình yêu đam mê

- Nhưng đây là một việc tôn trọng và khoan dung độ lượng đối với kẻ thù được biểu lộ bằng việc làm, cử chỉ lời nói.

Có bao giờ tôi có ý nghĩ tốt, một lời nói dịu ngọt, một cử chỉ chân tình và một việc làm đầy tình bác ái huynh đệ đối với người mình không ưa, không thích , không muốn không ? Nếu có, thì tôi quả là người biết yêu thương kẻ thù; nếu không , thì đáng tiếc thay ! tôi chưa sống theo Lời Chúa dạy : Hãy yêu thương kẻ thù.

2. Những kẻ thù được nói đến đây là:

- Những kẻ oán ghét … kẻ nguyền rủa … kẻ nhục mạ … kẻ vu khống … kẻ đánh đập … kẻ lột áo … kẻ cướp đoạt …

- YÊu thương những kẻ thù bằng cách : “ Hãy yêu thương họ … hãy làm ơn cho họ … hãy chúc lành cho họ … Hãy cầu nguyện cho họ … Hãy cho … đừng đòi lại …”

- Ai là kẻ thù tôi hôm nay và bây giờ ? Lời Chúa hôm nay tác động tôi yêu thương kẻ thù bằng cách nào mà tôi có thể thực hiện ngay bây giờ ?

3. “Anh em muốn người ta làm gì cho mình … “

Đây là câu tóm kết về cách thế yêu tha nhân, kể cả kẻ thù nữa :

* Tôi muốn người khác giúp đỡ, yêu thương và săn sóc mình thì hãy mau mắn nhiệt tình và nhạy cảm làm như vậy cho anh em.

* Tôi không muốn anh em làm phiền tôi, hoặc lãnh đạm xa cách tôi … thì tôi cũng phải tế nhị không làm như vậy cho những người đang sống chung quanh tôi.

4. “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình … Nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn mình … Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được.. “

Ở đây có ý nhấn mạnh về công trạng do việc đã làm. Vậy nếu chúng ta làm cho ai điều gì mà chỉ vì một mối lợi nào đó và dưới bất cứ hình thức nào, dù là việc yêu thương, phục vụ bác ái … thì chẳng có công trạng gì trước mặt Chúa, và như vậy không có giá trị gì cho sự sống đời đời.

“Trái lại anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vày chẳng hy vọng được đền trả. Như vậy phần thưởng dành cho anh em lớn lao và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với phường vô ân và quân độc ác”.

Như vậy muốn được công trạng trước mặt Chúa và được hiệu quả phần phúc đời sau thì phải yêu thương, phục vụ và bác ái cách vị tha, vô vị lợi và vô điều kiện.

5. “Anh em hãy có lòng nhân từ …”

Ở đây Chúa đòi hỏi chúng ta là con con cái Người, phải nên giống Chúa theo nghĩa : “Cha nào, con nấy” bằng cách:

* Có lòng nhân từ: nhân từ ở đây bao gồm sự tốt lành, tính hiền lành và lòng quảng đại khoan dung đối với hết mọi người. Vì thế chúng ta phải biết nhìn ngắm Chúa nhân từ với bản thân mình là tội nhân để thể hiện lòng nhân từ đối với tha nhân nhất là đối với kẻ thù trong cuộc sống hàng ngày.

* Giáo huấn trên đây là những điều mà lòng nhân từ thể hiện với tha nhân. Bằng bốn ý tưởng : hai câu phủ định và hai câu khẳng định, Chúa Giê Su đòi hỏi chúng ta phải sống nhân từ với anh em.

* Cần lưu ý : Chúa Giêsu không cấm người ta phán đoán sự việc một cách khách quan. Nhưng cấm lên án người khác, vì làm như vậy là cướp quyền thẩm phán của Thiên Chúa (Tv 50,6).

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.